MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 4/2024

Thứ tư - 17/04/2024 10:10
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 4/2024
(Kèm theo Công văn số: 05/PBGDPL ngày 29/3/2024
của Hội đồng PBGDPL thị xã)
 
 
 
 
          Trong tháng 4/2024 có 06 Nghị định, 04 Quyết định, 19 Thông tư chính thức có hiệu lực, sau đây là một số văn bản, chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân:
1. Hai quy định của Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 4/2024
Mặc dù Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội XV có hiệu lực từ 01/01/2025 nhưng vẫn có 02 quy định của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/4/2024. Cụ thể, khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024. Trong đó, hai quy định này gồm:
- Các hoạt động lấn biển: Nguyên tắc của hoạt động lấn biển, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển…
- Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 về: Nguyên tắc, căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
2. Nghị định số 25/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" sẽ có hiệu lực từ 15/4/2024
Ngoài các tiêu chuẩn quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng; danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:
- Có tài năng xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ về y tế, đạt được một trong các tiêu chuẩn:
Là chủ nhiệm ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, tỉnh đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên;
Là thành viên nghiên cứu chính thực hiện 02 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên;
Là tác giả ít nhất 02 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi được bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận;

Là tác giả hoặc đồng tác giả ít nhất 01 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp chứng nhận độc quyền sáng chế.
- Có thành tích xuất sắc trong công tác y tế góp phần cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đạt một trong các tiêu chuẩn:
Đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động” hoặc “Anh hùng lực lượng vũ trang”;
Đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc;
Đã được tặng Huân chương Lao động hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc từ hạng Ba trở lên;
Đã được tặng 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh.
- Cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu gửi hồ sơ về Hội đồng cấp cơ sở chậm nhất là ngày 01/7 của năm xét tặng. Thường trực Hội đồng các cấp tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày Thường trực Hội đồng tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, Hội đồng cấp dưới để bổ sung hồ sơ. Sau khi nhận được thông báo, trong thời hạn 10 ngày, cá nhân, Hội đồng cấp dưới phải hoàn thành việc bổ sung hồ sơ.
3. Nghị định số 28/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 của của Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2024
Theo đó, Nghị định có một số nội dung đáng chú ý như sau:
- Mốc thời gian để tính khen thưởng như sau:
+ Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 15/7/1950 đến ngày 20/7/1954;
+ Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ ngày 21/7/1954 đến ngày 30/4/1975;
+ Thời kỳ bảo vệ Tổ quốc.
- Nguyên tắc xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" là:
+ Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên;
+ Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ;
+ Thanh niên xung phong được xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" 01 lần;
+ Không tặng, truy tặng Huy chương đối với các trường hợp sau: bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng khung hình phạt tù hoặc tham gia chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội…
- Hiện vật khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" là sản phẩm đặc biệt, được Nhà nước bảo hộ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân khi được Chủ tịch nước quyết định khen thưởng, gồm: Bằng Huy chương, Huy chương và hộp của "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang",
4. Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 06/3/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT ngày 12/3/2021 và Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT ngày 24/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 22/4/2024
Theo đó, Thông tư có một số nội dung mới đáng chú ý:
- Quy định cụ thể các vật dụng thí sinh bị cấm đem vào phòng thi, bao gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin (thu, phát sóng thông tin, ghi âm, ghi hình) hoặc chứa thông tin để gian lận trong quá trình làm bài thi.
- Bổ sung quy định đối với thí sinh chỉ thi 1 hoặc 2 môn thành phần trong bài thi tổ hợp (thí sinh tự do):
Thí sinh chỉ thi môn thi thành phần thứ nhất và/hoặc thứ hai trong bài thi tổ hợp, sau khi nộp phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), thí sinh ra khỏi phòng thi và di chuyển về phòng chờ ra cho đến khi hết giờ làm bài của môn thi cuối cùng mới được rời khỏi khu vực thi. Trong quá trình di chuyển về phòng chờ ra và trong thời gian ở phòng chờ ra, thí sinh phải giữ gìn trật tự, tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ/khu vực chờ. Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng chờ khi được phép của người quản lý phòng chờ và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát khi ở ngoài phòng chờ;
Thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phần thứ hai và/hoặc thứ ba trong bài thi tổ hợp phải có mặt tại nơi gọi thí sinh vào phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 10 phút để làm công tác chuẩn bị. Nếu thi sinh đến sớm hơn (trước giờ phát đề thi từ 15 phút trở lên) thì phải vào đợi tại các phòng chờ vào;
Thí sinh chỉ dự thi môn thi thành phần thứ nhất và thứ ba trong bài thi tổ hợp: Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, đặt Phiếu TLTN sao cho phần tô câu trả lời úp xuống mặt bàn tại vị trí ngồi của thí sinh và bảo quản Phiếu TLTN trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.”
- Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi ĐKDT chịu trách nhiệm tra cứu thông tin từ nguồn thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác nhận diện ưu tiên theo nơi thường trú cho thí sinh (thực hiện trên Hệ thống Quản lý thi).
- Danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT:
Tiếng Anh:
+ TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; TOEIC (4 kỹ năng) Nghe: 275, Đọc: 275, Nói: 120, Viết: 120;
+ IELTS 4.0 điểm; Aptis ESOL B1;
+ Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Bậc 3;…
Tiếng Pháp: TCF 300 điểm; DELF B1.
Tiếng Trung Quốc: HSK cấp độ 3; TOCFL cấp độ 3.
Tiếng Nhật: JLPT cấp độ N3…
5. Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực từ ngày 15/4/2024
Nội dung này được Bộ Nội vụ đề cập đến tại Thông tư 01/2024/TT-BNV quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng sẽ có hiệu lực từ 15/4/2024 tới đây.
Theo đó, việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:
+ Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”;
+ Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”;
+ Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ (đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức) hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị mới (đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức) thực hiện. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ;
+ Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 06 tháng.
- 02 hình thức tổ chức thi đua bao gồm:
+ Thi đua thường xuyên là hình thức thi đua căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, nhằm thực hiện tốt công việc hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đối tượng thi đua thường xuyên là các cá nhân trong một tập thể, các tập thể trong cùng một cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc tương đồng nhau được chia theo khối thi đua, cụm thi đua.
+ Thi đua theo chuyên đề là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung được xác định trong khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chỉ phát động thi đua theo chuyên đề khi đã xác định rõ thời gian mục đích, yêu cầu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp cụ thể.
6. Thông tư số 01/2024/TT-BYT ngày 01/3/2024 của Bộ Y tế quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương, có hiệu lực kể từ ngày 15/04/2024
Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 - 05 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác. Thời hạn này được tính từ ngày có quyết định/văn bản công tác đảm nhiệm vị trí.
Trong đó, các danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực y tế phải định kỳ chuyển đổi gồm những vị trí tiếp nhận hồ sơ, cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn, thay đổi… các lĩnh vực:
Y tế dự phòng: Giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm…
Khám chữa bệnh: Giấy phép hành nghề/hoạt động khám chữa bệnh, giấy phép hoạt động khám chữa bệnh…
Dược phẩm, mỹ phẩm, y dược cổ truyền: Giấy đăng ký lưu hành, chứng chỉ hành nghề dược…
7. Thông tư số 56/2023/TT-BCA ngày 30/10/2024 của Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về "Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy", có hiệu lực từ ngày 01/4/2024
Theo đó, Thông tư có một số nội dung đáng chú ý sau:
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia “Phương tiện Phòng cháy và chữa cháy – QCVN 03:2021/BCA” quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.
- Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng cho phương tiện phòng cháy và chữa cháy nhập khẩu dưới dạng hàng mẫu, hàng trưng bày triển lãm, hội chợ; hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh không tiêu thụ và sử dụng tại Việt Nam.
- Hệ thống báo cháy tự động bao gồm các bộ phận cơ bản như sau: Trung tâm báo cháy tự động, đầu báo cháy tự động, hộp nút ấn báo cháy, nguồn điện. Tùy theo yêu cầu hệ thống báo cháy tự động còn có các bộ phận khác nhau như module, các thiết bị truyền tín hiệu, giám sát.
- Thiết bị cung cấp năng lượng cho các đầu báo cháy tự động và thực hiện chức năng sau đây:
+ Nhận tín hiệu từ đầu báo cháy tự động và phát tín hiệu báo động cháy chỉ thị nơi xảy ra cháy;
+ Có thể truyền tín hiệu phát hiện cháy qua thiết bị truyền tín hiệu đến nơi nhận tin báo cháy hoặc/ và đến các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tự động;
+ Kiểm tra sự làm việc bình thường của hệ thống, chỉ thị sự cố của hệ thống như đứt dây, chập mạch;..
Trên đây là một số chính sách văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 4/2024, Hội đồng PBGDPL thị xã tổng hợp cung cấp thông tin đến các cán bộ, công chức, cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện./.
 
                                                                                                                  HỘI ĐỒNG PBGDPL THỊ XÃ
 
 

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn cần  
/
 để chia sẽ thông tin,ý kiến ...

  LIÊN KẾT WEBSITE

  THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập3
  • Hôm nay695
  • Tháng hiện tại29,966
  • Tổng lượt truy cập344,242
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây